Pháp lựa chọn Dijon làm trụ sở của Tổ chức rượu vang Quốc tế

Pháp lựa chọn Dijon làm trụ sở của Tổ chức rượu vang Quốc tế

Ra đời tại Pháp vào năm 1924, Cơ quan Rượu vang quốc tế với thời gian đã  đổi tên trở thành “Tổ chức quốc tế về nho và rượu vang” (OIV). Với 48 quốc gia thành viên tham gia, nắm giữ 85% sản lượng rượu vang toàn cầu, tổ chức này còn được gọi đơn giản là Liên Hiệp Quốc của ngành rượu vang. Tuần trước, nước Pháp đã đề cử thành phố Dijon, thủ phủ của vùng Bourgogne làm nơi đặt trụ sở của Tổ chức liên chính phủ OIV.

 

Pháp lựa chọn Dijon làm trụ sở của Tổ chức rượu vang Quốc tế

 

Sau một thời gian dài hoạt động tại Paris, Tổ chức rượu vang quốc tế OIV đã bắt đầu tìm kiếm nơi để thành lập trụ sở mới, sau khi đã nhiều lần di dời văn phòng trong vòng một thập niên qua. Giữa tháng 07/2021, tổ chức này vừa bầu ông Luigi Moio, chuyên gia trường đại học Napoli lên làm chủ tịch nhiệm kỳ 3 năm. Khi lên thay thế bà Regina Verlandinde (đại học Caxias do Sul của Brazil), chuyên gia người Ý ngoài việc phối hợp các công trình nghiên cứu khoa học và kỹ thuật về rượu vang, còn có nhiệm vụ tổ chức chương trình nhân 100 năm ngày thành lập Tổ chức liên chính phủ OIV.

 

Pháp chọn Dijon thay vì Bordeaux hay Reims 

 

Nước Pháp đã đề nghị thành lập trụ sở mới từ đây cho đến ba năm tới, nhằm chuẩn bị kịp thời chương trình sinh hoạt kỷ niệm 1924-2024. Ba thành phố quan trọng trong ngành sản xuất rượu vang tại Pháp là ứng cử viên sáng giá: thành phố Reims thủ phủ của vùng Champagne, thành phố Bordeaux thủ phủ vùng sản xuất rượu vang nổi tiếng cùng tên và cuối cùng là thành phố Dijon thủ phủ của vùng Bourgogne (Burgundy trong tiếng Anh).

 

Pháp lựa chọn Dijon làm trụ sở của Tổ chức rượu vang Quốc tế

 

Cuộc vận động hành lang đã kéo dài trong vòng nhiều tháng liền. Nếu như trong cả ba vùng Champagne, Bordeaux và Bourgogne, mỗi vùng đều có một thế mạnh riêng, thì trong mắt giới chuyên gia, thành phố Bordeaux vẫn được xem là ứng cử viên sáng giá nhất vì doanh thu hàng năm của ngành sản xuất vang Bordeaux xấp xỉ 4 tỷ euro, trong đó có hơn một nửa doanh thu là nhờ xuất khẩu (chủ yếu là các loại rượu vang đỏ). Bordeaux đã từng khẳng định vị thế của mình khi được thành lập từ mùa hè năm 2016 Cung triển lãm rượu vang “Cité du Vin”, với bộ sưu tập 14.000 hiệu rượu vang đến từ 80 quốc gia trên thế giới. 

 

Bộ Nông nghiệp Pháp hôm 12/07/2021 vừa qua đã chính thức đề cử thành phố Dijon làm nơi thành lập trụ sở tương lai của Tổ chức OIV. Đề xuất này còn cần phải được đại diện của 48 quốc gia thành viên đồng ý phê chuẩn nhân kỳ phiên họp Đại hội đồng OIV vào tháng 10/2021. Trên nguyên tắc thì đó chỉ là về mặt thủ tục, trên thực tế chính phủ Pháp đã chính thức ủng hộ thành phố Dijon thay vì chọn Bordeaux hay là Reims.

 

Rượu vang Bourgogne thuộc vào hàng đắt nhất thế giới 

 

Cho dù về mặt doanh thu xuất khẩu, vùng Bourgogne với 1,051 tỷ euro hàng năm chỉ bằng một nửa so với hai khu vực kia, nhưng đổi lại rượu vang Bourgogne lại nổi tiếng về mặt chất lượng, luôn được đánh giá cao trên các thị trường. Vùng này chủ yếu sản xuất vang trắng (62%), vang đỏ (30%) và rượu vang có sủi bọt với thương hiệu Crémant de Bourgogne (8%). Về sản xuất, rượu Bourgogne được xem như là “hiếm” hơn do khối lượng không dồi dào bằng rượu Bordeaux. Điều đó giải thích vì sao giới chuyên sưu tầm, thường chọn mua vang Bourgogne hơn là vang Bordeaux.

 

Domaine de la Romanée Conti Grand Cru

 

Một trong những sự kiện quan trọng thường niên là cuộc bán đấu giá tại bảo tàng Hospices de Beaune nằm cách trung tâm thành phố Dijon khoảng 45 cây số về phía Nam nước Pháp. Ở cuộc bán đấu giá lần thứ 160 hồi cuối năm ngoái, 630 chai rượu vang Bourgogne (474 chai vang đỏ và 156 chai vang trắng) đã được bán với giá tổng cộng là 780.000 euro, như vậy mỗi chai rượu đạt tới mức trung bình là 1.240 euro/1 chai. Còn theo thông tin trên mạng chuyên ngành Comptoir des Millésimes, trong số 10 chai rượu vang đắt nhất trên thế giới hiện nay, có tới 7 chai là rượu vang vùng Bourgogne. Chai có giá cao nhất là Domaine de la Romanée Conti Grand Cru với giá thẩm định là 14.170 euro và khi đem bán đấu giá có thể đạt tới mức 482.000 euro mỗi chai.

 

Đề xuất của chính phủ Pháp đã mở ra cơ hội cho vùng Bourgogne thực hiện các dự án đầy tham vọng. Trên các mạng xã hội, Hội đồng thành phố Dijon đã hoan nghênh đề cử này và vinh dự tiếp đón các đoàn thể chuẩn bị tới tham gia khóa họp toàn thể vào tháng 10/2021. Trong số các dự án sắp được triển khai, một khi các nước thành viên tổ chức OIV chính thức chọn Dijon, có kế hoạch khánh thành vào tháng 04/2022 Cung triển lãm quốc tế về Ẩm thực và Rượu vang (Cité Internationale de la Gastronomie et du Vin).

 

Nỗ lực phát triển Con đường Rượu vang vùng Bourgogne 

 

Gợi hứng từ mô hình “Cité du Vin” của thành phố Bordeaux, Cung triển lãm của Dijon sẽ đặt ngay giữa lòng thành phố, chỉ cách Nhà thờ Đức Bà Dijon, Bảo tàng Mỹ thuật và Lâu đài công tước vùng Bourgogne khoảng vài phút đi bộ. Để tiếp đón trụ sở của Tổ chức liên chính phủ OIV, Hội đồng thành phố Dijon đi xa hơn nữa qua việc tân trang dinh thự Esterno, có từ thế kỷ XVII và khi xưa là tư dinh của ông Jean Bouchu, Chủ tịch Nghị viện thành phố Dijon. Dinh thự này sẽ được trùng tu chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 100 năm tổ chức OIV vào năm 2024.

 

Qua việc chính thức đề cử thành phố Dijon thay vì chọn Bordeaux hay là Reims, chính phủ Pháp có lẽ cũng đã tìm cách phát triển một cách đồng đều các vùng miền. Kể từ khi khánh thành vào mùa hè năm 2017 tuyến đường tàu cao tốc TGV Océane ven bờ Đại Tây Dương, thời gian di chuyển giữa thủ đô Paris với thành phố Bordeaux đã được rút ngắn từ 3 tiếng xuống còn 2 tiếng đồng hồ (tương đương với Paris-Dijon). Điều đó đã làm tăng thêm sức hấp dẫn của Bordaux đối với giới đầu tư.

 

Về phía Dijon, tuy dân số (245.000 dân) chỉ bằng một phần tư so với Bordeaux, nhưng thành phố trong những năm gần đây đã nỗ lực phát triển ngành du lịch văn hóa và ẩm thực xung quanh Con đường Rượu vang vùng Bourgogne, còn được gọi là “La Route des Grands Crus” (Con đường Vang thượng hạng) do tuyến du lịch này nối liền những vùng sản xuất nổi tiếng như Pommard, Meursault hay là Santenay… Theo nguyệt san chuyên ngành Food & Wine, việc đề cử Dijon thoạt nhìn có thể gây ngạc nhiên, nhưng khi nhìn kỹ lại sự chọn lựa này cũng khá hợp tình hợp lý, vì vùng Bourgogne có đến 8 địa danh từng được Unesco đưa vào danh sách Di sản Thế giới. 

Theo: rfi.fr

 

 

phone
chat zalo